Vấn đề pháp lý nổi bật trong các Bản án lao động Quý 3/2024 – Phần 1.1
PHẦN 1.1: ĐỐI THOẠI VÀ THAM KHẢO Ý KIẾN TẠI NƠI LÀM VIỆC KHÔNG CÓ TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CƠ SỞ
Giới thiệu
Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động (“BLLĐ”) 2019 bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức khác của người lao động (“NLĐ”) tại doanh nghiệp (Điều 3.3 BLLĐ 2019). Đây là một điểm mới so với quy định tại BLLĐ 2012 vì trong phiên bản 2012, khái niệm “Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở” chỉ bao gồm Ban Chấp hành Công đoàn (“BCHCĐ”) cơ sở hoặc BCHCĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đối với nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở (Điều 3.4 BLLĐ 2012). Việc BLLĐ 2019 mở rộng hình thức đại diện NLĐ tạo cho NLĐ nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình thực hiện quan hệ lao động.
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng tham gia vào tổ chức Công đoàn hay tổ chức khác đại diện cho NLĐ (nhất là những doanh nghiệp có dưới 10 NLĐ). Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 6/2023, cả nước có 11.072.214 công đoàn viên và 123.129 công đoàn cơ sở [1]. Số liệu này vẫn rất khiêm tốn so với 52,4 triệu người là NLĐ từ 15 tuổi trở lên tính chung năm 2023 [2]. Vì vậy, có thể thấy hàng triệu NLĐ vẫn chưa có tổ chức nào đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích cho mình.
Vậy thì, tại nơi làm việc không có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, những trường hợp cần đối thoại hoặc trao đổi ý kiến với NLĐ hoặc tổ chức đại diện NLĐ sẽ được thực hiện như thế nào?
Hãy cùng LNV đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!
Nội dung
Đến nay, vì nhiều lý do khác nhau, việc triển khai thành lập tổ chức khác của NLĐ tại doanh nghiệp (ngoài Công Đoàn) chưa thực sự có đủ cơ chế để tiến hành [3]. Do đó, về pháp lý, tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi của NLĐ hợp pháp duy nhất hiện nay vẫn là tổ chức Công đoàn các cấp.
Theo đó, hãy cùng LNV phân tích vai trò của tổ chức đại diện NLĐ trong hai thủ tục là (i) đối thoại và (ii) tham khảo/trao đổi ý kiến như sau:
1. Đối thoại
Khoản 1 Điều 63 BLLĐ 2019 định nghĩa đối thoại tại nơi làm việc là “việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi”.
Bên cạnh đó, khoản 2 của Điều trên quy định về 3 trường hợp cần thực hiện đối thoại tại nơi làm việc, đó là (i) theo định kỳ, (ii) khi có yêu cầu của một hoặc các bên và (ii) khi có vụ việc theo quy định pháp luật [4].
Về thành phần và số lượng tham gia đối thoại, pháp luật quy định thành phần đối thoại gồm: đại diện bên NSDLĐ và đại diện bên NLĐ. Trong đó, đại diện bên NLĐ sẽ là tập hợp của 02 nhóm đối tượng gồm (i) Tổ chức đại diện NLĐ; và (ii) Nhóm đại diện đối thoại của NLĐ. Theo Điều 37.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ do NLĐ lập ra để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động [5].
Hai nhóm đối tượng này sẽ cùng thảo luận để xác định số lượng, thành phần cụ thể bên phía NLĐ để tham gia vào việc đối thoại (Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP). Trong trường hợp nơi làm việc không có tổ chức đại diện NLĐ (nhóm đối tượng (i)) thì Nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nhóm đối tượng (ii)) sẽ thảo luận và quyết định về số lượng, các thành viên đại diện bên NLĐ để tham gia đối thoại khi phát sinh yêu cầu. Như vậy, trong trường hợp này, thành phần đại diện tham gia đối thoại ở phía NLĐ vẫn được đảm bảo và thủ tục đối thoại vẫn đủ điều kiện để tiến hành.
Trong trường hợp NLĐ bối rối trong việc lập nhóm đại diện, NLĐ có thể liên hệ tổ chức Công đoàn cơ sở cấp trên trực tiếp để được hỗ trợ (theo Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Căn cứ đề nghị của NLĐ, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trao đổi, thống nhất với NSDLĐ về nội dung, cách thức hỗ trợ NLĐ trong doanh nghiệp thành lập nhóm đại diện đối thoại của NLĐ để tổ chức đối thoại định kỳ đảm bảo dân chủ, tuân thủ các quy định của pháp luật” [6]).
2. Tham khảo ý kiến
BLLĐ quy định các trường hợp NSDLĐ phải tiến hành tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ trước khi ban hành hoặc ra quyết định, gồm:
- Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trong trường hợp NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc (Điều 36.1.a);
- Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế (Điều 42.6);
- Xây dựng phương án sử dụng lao động (Điều 44.2);
- Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động (Điều 93.3);
- Xây dựng Quy chế thưởng (Điều 104.2);
- Quy định lịch Nghỉ hằng năm (Điều 113.4);
- Ban hành Nội quy lao động (Điều 118.3);
- Tạm đình chỉ công việc của NLĐ (Điều 128.1).
Về quy định, trong các trường hợp nêu trên, NSDLĐ đều được yêu cầu“phải tham khảo ý kiến/trao đổi ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”. Vậy, đối với những nơi làm việc không có tổ chức đại diện người lao động thì NSDLĐ có phải thực hiện thủ tục tham khảo, trao đổi ý kiến này hay không? Câu trả lời của LNV là Không.
Qua thực tiễn xét xử trong quý 3/2024, tại Bản án số 02/2024/LĐ-PT, Tòa án đồng tình với việc chỉ áp dụng các quy định về việc tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ nếu nơi làm việc có tổ chức đại diện NLĐ, còn trong trường hợp tại nơi làm việc không có tổ chức đại diện NLĐ thì NSDLĐ không cần phải thực hiện thủ tục này.
Cụ thể, trong Bản án số 02/2024/LĐ-PT ngày 26/7/2024, NLĐ khởi kiện đối với công ty yêu cầu bồi thường vì cho rằng công ty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Trong phần nhận định của Tòa án phúc thẩm về trình tự, thủ tục ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ, Tòa án nhận định những căn cứ và thủ tục của Công ty thực hiện là phù hợp với quyết định của pháp luật hiện hành. Trong đó, riêng về nội dung “Trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở”, Tòa án đã căn cứ Điều 42.6 BLLĐ và giải thích rằng “Theo quy định nêu trên thì việc trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở chỉ đặt ra đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Pháp luật không có quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Công ty G không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nên khi xây dựng phương án sử dụng lao động và cho thôi việc công ty không buộc phải thực hiện quy định về trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Vì vậy, Công ty không vi phạm khoản 2 Điều 44, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật lao động và khoản 1 Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ”.
Kết luận và khuyến nghị
Như vậy, tại nơi làm việc mà không có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở thì việc đối thoại vẫn diễn ra bình thường, thành phần tham gia đối thoại bên phía NLĐ sẽ là “Nhóm đại diện đối thoại của NLĐ” do NLĐ tự lựa chọn lập ra. Còn đối với thủ tục tham khảo, trao đổi ý kiến, NSDLĐ không cần phải thực hiện thủ tục này nếu tại nơi làm việc không có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến, một số địa phương khuyến nghị trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ tại những nơi làm việc chưa có tổ chức đại diện NLĐ, NSDLĐ có thể liên hệ tổ chức Công đoàn cơ sở cấp trên trực tiếp để can thiệp với vai trò là tổ chức đại diện cho NLĐ tại địa phương. Phương thức này chỉ mang tính khuyến nghị, NSDLĐ có thể tham khảo để thể hiện tinh thần thiện chí của NSDLĐ đối với NLĐ và phải tuân thủ theo Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong trường hợp lựa chọn áp dụng.
—
* Chú thích:
[1] Tài liệu Báo cáo nhanh kết quả Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028
[2] Theo số liệu công bố trong Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023 của Tổng cục Thống kê
[3] Vấn đề thành lập tổ chức khác của người lao động tại doanh nghiệp, https://laodongcongdoan.vn/van-de-thanh-lap-to-chuc-khac-cua-nguoi-lao-dong-tai-doanh-nghiep-102002.html
[4] Các vụ việc được đối thoại bao gồm:
- NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của NSDLĐ;
- Nghĩa vụ của NSDLĐ trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Phương án sử dụng lao động;
- Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;
- Thưởng;
- Thông qua Nội quy lao động;
- Tạm đình chỉ công việc.
[5] Điều 63. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc
…
- Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:
- a) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;
- b) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;
- c) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.
[6] Căn cứ tiểu mục IV.1.1.3 Mục 2 Phần II Hướng dẫn số 11/HD-TLĐ ngày 14/3/2024 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Người thực hiện: Thanh Phong, Phan Nhi
Lưu ý: Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi.
Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.