Tiền bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Bàn luận pháp luật

Tiền bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân không?

LexNovum Lawyers

LexNovum Lawyers

16/04/2024

Tiền bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có chịu thuế thu nhập cá nhân không?

Khách hàng:

Tôi có ký hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) có thời hạn 01 năm với Công ty (đến hết tháng 10/2024). Nhưng đến ngày 30/1/2024, Công ty ban hành Quyết định chấm dứt HĐLĐ với tôi. Không đồng ý với quyết định này, tôi đã có đơn đề nghị hòa giải gửi cơ quan quản lý về lao động. Với kết quả hòa giải, Công ty đã thừa nhận hành vi đơn phương trái luật, xin lỗi tôi và hứa sẽ bồi thường cho tôi một khoản tiền được hòa giải viên lao động xác định tương ứng theo Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ 2019”), không trả trợ cấp thôi việc vì tôi chưa làm việc tại công ty đủ 12 tháng. Vậy đối với khoản bồi thường trên, tôi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) cho khoản tiền này hay không?

Trả lời:

LexNovum Lawyers (“LNV”) cảm ơn tình huống và câu hỏi mà bạn đưa ra. Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xác định tính chất của khoản tiền bạn nhận được là khoản bồi thường theo quy định pháp luật, cụ thể là theo Điều 41 BLLĐ 2019, bao gồm các khoản sau:

  • Ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ nếu không nhận NLĐ trở lại làm việc;
  • Ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật;
  • Trả khoản tiền tương ứng với tiền lương theo HĐLĐ những ngày không báo trước;
  • Trả tiền lương, đóng bảo hiểm trong những ngày NLĐ không được làm việc.

Do đó, căn cứ các quy định:

Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập NLĐ nhận được từ NSDLĐ, bao gồm:

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật BHXH.”

 

và khoản 3 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm n khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế:

“Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật.

thì trong tiền bồi thường bạn nhận được từ Công ty, các khoản bồi thường được pháp luật quy định thì thuộc trường hợp được miễn thuế TNCN, khoản nào vượt quá hoặc nằm ngoài phạm vi được pháp luật quy định thì cần đóng thuế TNCN. Theo đó, bạn có thể kiểm tra các khoản được xác định tại Biên bản hòa giải, nếu các khoản đó thuộc các mục được chúng tôi liệt kê phía trên (tức thuộc quy định của Điều 41 BLLĐ), khoản đó sẽ được hiểu là bồi thường theo quy định của pháp luật và sẽ được miễn thuế TNCN. Nếu có các khoản tiền khác không thuộc phạm vi được pháp luật quy định, ví dụ như tiền bồi thường tổn thất tinh thần, thì khoản này sẽ không được miễn thuế TNCN. Trường hợp cần hỗ trợ xác định chi tiết, bạn vui lòng liên hệ LNV để LNV hỗ trợ bạn nhé.

Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo quan điểm của Cơ quan nhà nước cho các câu hỏi tương tự tại đây:

Ngoài ra, LNV lưu ý với bạn rằng nếu Công ty trả một khoản tiền thỏa thuận để bù đắp, dàn xếp việc chấm dứt HĐLĐ (ngoài quy định của pháp luật) với bạn, tức một khoản tiền thỏa thuận, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức…”.

thu nhập này sẽ được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. Trong trường hợp đó, Công ty sẽ có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng mức chi trả từ 2 triệu đồng trở lên (Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC).

Người thực hiện: Ngọc Trâm – Phan Nhi