Một số điểm mới đáng chú ý về chứng khoán, thuế, kế toán được quy định tại “Luật số 56” – Phần 2

Bản tin pháp luật

Một số điểm mới đáng chú ý về chứng khoán, thuế, kế toán được quy định tại “Luật số 56” – Phần 2

LexNovum Lawyers

LexNovum Lawyers

21/02/2025

PHẦN 2 – MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ THUẾ, KẾ TOÁN

Trong Phần 2 này, LexNovum sẽ giới thiệu đến quý độc giả một số điểm mới quan trọng và đáng chú ý trong lĩnh vực thuế, kế toán đã được điều chỉnh trong Luật số 56.

1. Chỉ phải dịch tài liệu kế toán ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước yêu cầu

Luật Kế toán hiện nay đang quy định chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài (Điều 11.1 Luật Kế toán 2015).

Tuy nhiên, từ 01/01/2025, việc dịch toàn bộ tài liệu kế toán ra tiếng Việt là không bắt buộc với Doanh nghiệp. Theo đó, Điều 2.3 Luật số 56 quy định “Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Tài liệu kế toán bằng tiếng nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.”  

2. Bãi bỏ “Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán” trên chứng từ kế toán

Trước đây, nội dung này được quy định tại Điều 16.1.d Luật kế toán 2015, nhưng đã bị bãi bỏ theo quy định tại Điều 2.9 Luật số 56. Theo đó, từ 01/01/2025, các nội dung chủ yếu trên chứng từ kế toán được quy định tại Điều 16.1 Luật Kế toán 2015 chỉ còn:

  • Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
  • Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
  • Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
  • Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
  • Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
  • Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.

3. Điều chỉnh quy định về kỳ kế toán

Điều 2.4 Luật số 56 quy định điều chỉnh về kỳ kế toán như sau:

4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải không quá 15 tháng.”

Trước đây, nội dung này được quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Kế toán 2015: “4.Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn 90 ngày thì được phép cộng với kỳ kế toán năm tiếp theo hoặc cộng với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm; kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng phải ngắn hơn 15 tháng”. Quy định này dẫn đến phát sinh vướng mắc đối với trường hợp quý II kéo dài 91 ngày và quý III kéo dài 92 ngày, các đơn vị vẫn phải lập báo cáo tài chính nếu kỳ đầu tiên hoặc kỳ cuối cùng rơi vào quý II và quý III. Quy định mới được sửa đổi nhằm thống nhất cách xác định kỳ kế toán, cho phép gộp kỳ kế toán nếu kỳ đầu tiên hoặc cuối cùng không quá 03 kỳ kế toán tháng liên tiếp, tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực hiện nghiệp vụ kế toán.

4. Công nhận phương thức xác nhận chứng từ điện tử ngoài chữ ký điện tử

Trước đây, Luật Kế toán 2015 quy định chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử. Ngoài ra không chấp nhận hình thức xác nhận khác. Tuy nhiên, Luật số 56 đã bổ sung thêm các phương thức xác nhận chứng từ điện tử ngoài chữ ký điện tử. Cụ thể, Điều 2.5.b Luật số 56 quy định: “4. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử hoặc các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”.

Quy định này được sửa đổi nhằm phù hợp với quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023 cho phép sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử để thể hiện sự chấp thuận của chủ thể ký đối với thông điệp dữ liệu mà không phải là chữ ký điện tử (như xác thực sinh trắc học, OTP…)

5. Thay đổi quy định về việc bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra

Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về việc cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế phải bồi thường thiệt hại gây ra theo quy định của pháp luật. Đơn cử quy định tại Điều 75.3 Luật Quản lý thuế quy định: “Quá thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu việc chậm ban hành quyết định hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn trả. Nguồn tiền trả lãi được chi từ ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”

Tuy nhiên, Luật mới đã thay đổi quy định này, và dẫn chiếu sang Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Tại Điều 6.3 Luật số 56 quy định: “8. Được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.”

6. Sàn thương mại điện tử nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam

Điều 6.5.a Luật số 56 quy định áp dụng đối với tất cả các sàn thương mại điện tử không phân biệt có hay không thường trú tại Việt Nam. Theo đó, “Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính

7. Sàn thương mại điện tử sẽ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng của mình

Theo quy định tại Điều 6.5.b Luật số 56 thì “Đối với hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số thì tổ chức là nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán (bao gồm cả tổ chức trong nước và nước ngoài) và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác theo quy định của Chính phủ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.”

Điều 6.5.b cũng quy định thêm về trường hợp mà sàn thương mại điện tử sẽ không đóng thuế thay cho hộ kinh doanh, đó là: “Trường hợp hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế

Cũng theo quy định tại Điều này, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về các nội dung sau đây:

  • Phạm vi trách nhiệm và cách thức các tổ chức quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử, quản lý nền tảng số và các tổ chức có hoạt động kinh tế số khác thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của các hộ, cá nhân;
  • Về hồ sơ, thủ tục khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế của các hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số.

8. Bổ sung trường hợp không được khai bổ sung hồ sơ khai thuế

Trước đây, Điều 47.1 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về trường hợp Khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với trường hợp duy nhất, đó là “Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.”

Đến nay, theo quy định tại Điều 6.6.a, Luật số 56 đã bổ sung thêm một trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, đó là:“b) Hồ sơ không thuộc phạm vi, thời kỳ thanh tra, kiểm tra thuế nêu tại quyết định thanh tra, kiểm tra thuế.”

Điều này cũng quy định thêm: “Đối với những nội dung thuộc phạm vi thanh tra, kiểm tra, người nộp thuế được bổ sung hồ sơ giải trình theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về thanh tra và các trường hợp thực hiện theo kết luận, quy định của cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.”

9. Điều chỉnh cách xác định thời gian tính tiền chậm nộp tiền thuế

Trước đây, Điều 59.2.b Luật Quản lý thuế quy định về cách xác định thời gian tính tiền chậm nộp tiền thuế như sau: “b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.”

Đến nay, từ 01/01/2025, thời gian tính tiền chậm nộp sẽ thực hiện theo cách xác định mới, cụ thể: “Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển được nộp vào ngân sách nhà nước”. Đây là nội dung đã được điều chỉnh tại Điều 6.7 Luật số 56.

10. Bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế

Nếu trước đây thẩm quyền quyết định hoàn thuế chỉ được giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 76.1 Luật Quản lý thuế 2019), thì từ 01/01/2025, thẩm quyền quyết định hoàn thuế được quy định tại Điều 6.11 Luật số 56 đã được mở rộng. Cụ thể như sau: “1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực quyết định việc hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.”.

Người thực hiện: Thanh Phong, Phan Nhi

Lưu ý:

Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi. 

Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.