Một số điểm mới cơ bản của Luật Giao dịch điện tử 2023

Bản tin pháp luật

Một số điểm mới cơ bản của Luật Giao dịch điện tử 2023

LexNovum Lawyers

LexNovum Lawyers

15/07/2024

Luật Giao dịch điện tử (“Luật GDĐT”) 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5, gồm 8 chương và 53 điều, kế thừa và sửa đổi, bổ sung thêm những quy định mới so với Luật GDĐT 2005.

Với nhiều điểm mới, Luật GDĐT 2023 đã tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong hầu hết các ngành và lĩnh vực. Theo đó, Luật GDĐT 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và có những điều chỉnh nổi bật như sau:

Thứ nhất, Luật GDĐT 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật GDĐT 2005. Theo đó, Luật GDĐT 2005 đã quy định không áp dụng Luật này trong các trường hợp như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá trị khác. Và chỉ áp dụng quy định của Luật GDĐT cho cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Tuy nhiên, Luật GDĐT 2023 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, chỉ loại trừ các trường hợp mà luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Đồng thời, luật này áp dụng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử.

Thứ hai, bổ sung các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “hợp đồng điện tử”, dữ liệu số”,…

Thứ ba, quy định chi tiết, cụ thể hơn về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuân thủ pháp luật.

Thứ , bổ sung quy định về việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu tại Điều 12 Luật GDĐT 2023.

Thứ năm, bổ sung quy định chi tiết về chứng thư điện tử tại Mục 3 Chương II.

Thứ sáu, quy định chi tiết về chữ ký điện tử. Theo đó, Luật GDĐT 2023 phân loại chữ ký điện tử thành ba loại, bao gồm:

  • Chữ ký điện tử chuyên dùng là chữ ký điện tử do cơ quan, tổ chức tạo lập, sử dụng riêng cho hoạt động của cơ quan, tổ chức đó phù hợp với chức năng, nhiệm vụ;
  • Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
  • Chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công vụ và phải được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Thứ bảy, bổ sung quy định về dịch vụ tin cậy tại Mục 2 Chương III của Luật GDĐT 2023. Theo đó, dịch vụ tin cậy bao gồm: Dịch vụ cấp dấu thời gian; Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu; Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Thứ tám, quy định chi tiết về hợp đồng điện tử.

Thứ chín, bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử.

Để có một cái nhìn tổng quan và chi tiết hơn, Quý khách hàng có thể theo dõi một số điểm thay đổi cơ bản giữa Luật GDĐT 2005 và Luật GDĐT 2023 qua bảng so sánh tại đây.

Trên đây là một số điểm mới cơ bản của Luật GDĐT 2023 so với Luật GDĐT 2005. Trong trường hợp có nhu cầu tư vấn pháp lý chuyên sâu, kính mong Quý Khách hàng liên hệ với LexNovum Lawyers để được hỗ trợ.

Người thực hiện: Phan Nhi – Hoàng Vy.