Hỏi đáp về vấn đề thuế chuyển nhượng vốn

Bàn luận pháp luật

Hỏi đáp về vấn đề thuế chuyển nhượng vốn

Huỳnh Thị Kim Oanh

Huỳnh Thị Kim Oanh

28/09/2022

Hoi-dap-thue-chuyen-nhuong-von-LexNovum-Lawyers

 

Câu hỏi:

Công ty TNHH A là doanh nghiệp được sở hữu 100% vốn góp bởi Công ty B, một doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Singapore. Hiện nay, ông C là cá nhân cư trú tại Việt Nam muốn nhận chuyển nhượng 5% vốn góp tại Công ty TNHH A. Theo đó, ông C hỏi với giao dịch nhận chuyển nhượng vốn này, có những vấn đề nào về thuế cần lưu ý không?

Trả lời:

Liên quan đến vấn đề thuế chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH A, qua xem xét các quy định pháp luật thì có một số nội dung cần lưu ý như sau:

1. Về thuế GTGT

Điểm d Khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:

Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT

8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:

d) Chuyển nhượng vốn bao gồm việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào tổ chức kinh tế khác (không phân biệt có thành lập hay không thành lập pháp nhân mới), chuyển nhượng chứng khoán, chuyển nhượng quyền góp vốn và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bán theo quy định của pháp luật.

Theo đó, việc chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

2. Thuế thu nhập cá nhân

Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC quy định:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

Do Ông C là cá nhân cư trú tại Việt Nam không có thu nhập phát sinh từ việc nhận chuyển nhượng vốn nên không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

3. Thuế thu nhập doanh nghiệp

3.1. Nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Điều 14.2 Thông tư 78/2014/TT-BTC, hoạt động chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH A cho ông C sẽ làm phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B.

Nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty B = (giá chuyển nhượng – giá mua phần vốn chuyển nhượng – chi phí) * 20%.

Tuy nhiên, vì Công ty B là tổ chức nước ngoài nên ông C là bên nhận chuyển nhượng tại Việt Nam có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay Công ty B số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định tại Điều 14.2(c) Thông tư 78/2014/TT-BTC: “Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn có trách nhiệm xác định, kê khai, khấu trừ và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp […]”

Ngoài ra, các bên khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng vốn cũng nên lưu tâm 2 vấn đề:

  • Giá chuyển nhượng không được thấp hơn giá trị sổ sách. Cơ quan thuế có quyền ấn định thuế nếu giá chuyển nhượng thấp hơn giá trị sổ sách.
  • Giá mua phần vốn chuyển nhượng phải là giá thực góp. Các công ty thường xác định theo vốn điều lệ đăng ký mà không xem xét giá trị thực góp lũy kế trên tài khoản kế toán (411) tính đến thời điểm chuyển nhượng vốn.

3.2. Về thủ tục khai thuế

3.2.1. Kỳ khai thuế:

Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

Điều 8. Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế

4. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo từng lần phát sinh, bao gồm:

o) Thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài.”

6. Các loại thuế, khoản thu khai quyết toán năm…

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài…”

Theo đó, việc kê khai thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn này thực hiện theo từng lần phát sinh và không phải làm quyết toán thuế.

3.2.2    Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế:

Điều 11.6.c Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: “Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp nơi nhà thầu nước ngoài đầu tư vốn (bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn khai thay cho nhà thầu nước ngoài và trường hợp tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam nơi nhà thầu nước ngoài đầu tư vốn khai thay nếu tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vốn cũng là nhà thầu nước ngoài).”

Theo đó, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế sẽ là cơ quan quản lý thuế trực tiếp của Công ty TNHH A.

3.2.3. Hồ sơ khai thuế: thực hiện theo Mục 7.3 Phụ lục I Nghị định 126/2020/NĐ-CP gồm:

  • Mẫu 05/TNDN: Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn)
  • Bản sao hợp đồng chuyển nhượng, Bản sao chứng nhận vốn góp, chứng từ gốc của các khoản chi phí (nếu có)

3.2.4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: theo Điều 44.3 Luật quản lý thuế 2019, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

3.3. Về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần

Hiện nay, theo Điều 13 Hiệp định giữa chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước cộng hoà Singapore về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập (“Hiệp định”) quy định:

Điều 13. Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản

4. Thu nhập do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ việc chuyển nhượng các cổ phần, không phải các cổ phần của một công ty được niêm yết trên một thị trường chứng khoán được công nhận của một hoặc cả hai Nước ký kết, nhận được nhiều hơn 50% giá trị của công ty trực tiếp hoặc gián tiếp từ bất động sản nằm tại Nước ký kết kia có thể bị đánh thuế tại Nước kia.

5. Thu nhập thu được từ việc chuyển nhượng bất kỳ tài sản nào khác với tài sản nêu tại các khoản 1, 2, 3 và 4 sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước nơi đối tượng chuyển nhượng là đối tượng cư trú.”

Như vậy, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp thứ nhất: nếu giá trị bất động sản chiếm tỷ lệ nhiều hơn 50% trong tổng số vốn của Công ty TNHH A thì thu nhập của Công ty B từ việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH A bị đánh thuế tại Việt Nam.

Điểm a Khoản 3 Điều 24 của Hiệp định quy định:

Trường hợp một đối tượng cư trú tại Singapore có thu nhập từ Việt Nam hay nhận được khoản thu nhập đó tại Singapore mà theo những quy định tại Hiệp định này có thể phải chịu thuế tại Việt Nam, Singapore, căn cứ vào luật tại Singapore về việc cho phép khấu trừ vào thuế Singapore số thuế đã nộp tại bất kỳ nước nào ngoài Singapore, sẽ cho phép khấu trừ số thuế nộp tại Việt Nam, cho dù nộp trực tiếp hay bằng cách khấu trừ, vào số thuế phải nộp tại Singapore và đối tượng đó là công ty thứ nhất, số thuế được khấu trừ sẽ tính đến phần thuế Việt Nam đã nộp của công ty trên phần lợi tức dùng để trả tiền lãi cổ phần.

Theo đó, Công ty B được phép khấu trừ số thuế nộp tại Việt Nam, cho dù nộp trực tiếp hay bằng cách khấu trừ, vào số thuế phải nộp tại Singapore.

Trường hợp thứ hai: giá trị bất động sản chiếm tỷ lệ ít hơn hoặc bằng 50% trong tổng số vốn của Công ty TNHH A thì thu nhập của Công ty B từ việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH A chỉ chịu thuế tại Singapore, không phải chịu thuế tại Việt Nam.

Trong trường hợp thứ 2 này, ông C phải thực hiện thủ tục miễn thuế theo hiệp định tránh đánh thuế 2 lần khi khai, nộp thuế thay cho Công ty B tại cơ quan thuế Việt Nam theo Khoản 1 Điều 62 Thông tư 80/2021/TT-BTC.

 

Người thực hiện: Huỳnh Thị Kim Oanh, Phan Thị Nhi