GỠ BỎ THỦ TỤC XÁC NHẬN NỘI DUNG QUẢNG CÁO MỸ PHẨM?

Bản tin pháp luật

GỠ BỎ THỦ TỤC XÁC NHẬN NỘI DUNG QUẢNG CÁO MỸ PHẨM?

LexNovum Lawyers

LexNovum Lawyers

02/02/2024

Hiện nay, thị trường mỹ phẩm đang phát triển với tốc độ nhanh chóng cùng với các xu hướng mới về chăm sóc da và trang điểm. Các thương hiệu trong ngành cũng đang thi nhau đưa ra những sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả tốt hơn. Theo đó, quảng cáo đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến các khách hàng tiềm năng, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vì mỹ phẩm hiện được xem là “hàng hoá đặc biệt” nên chỉ được quảng cáo sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Về mặt quy định, thủ tục này sẽ được giải quyết trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ nhưng thực tế có thể tốn nhiều thời gian hơn nếu hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung hay phải nộp lại do bị từ chối. Với sự thay đổi liên tục của các mặt hàng mỹ phẩm thì thủ tục này có thể bị xem như “rào cản” đối với doanh nghiệp, chưa kể còn kèm theo thủ tục cấp lại giấy xác nhận trong trường hợp bị mất hoặc hư hỏng, hết hiệu lực hay khi có thay đổi về tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm và không thay đổi nội dung quảng cáo.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 04 tháng 10 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1661/QĐ-TTg phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, trong đó có phương án bãi bỏ thủ tục cấp và cấp lại giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm. Lý do cho việc cắt giảm thủ tục là vì việc xác nhận nội dung quảng cáo chỉ đơn thuần là xem xét tính phù hợp giữa nội dung mà doanh nghiệp dự kiến quảng cáo với các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký mỹ phẩm mà không bảo đảm được việc thực hiện quảng cáo có tuân thủ đúng các thông tin theo hồ sơ đăng ký hay không; do vậy, đề xuất bỏ thủ tục này và thay bằng quy định doanh nghiệp có sản phẩm phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo, trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm, thu hồi đăng ký sản phẩm và không tiếp nhận hồ sơ đăng ký lại đối với sản phẩm mỹ phẩm đó trong thời gian 24 tháng kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Nhằm thực hiện các phương án nêu trên, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo và Thông tư số 09/2015/TT-BYT quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế được kiến nghị sửa đổi với lộ trình thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Hiện tại, qua rà soát, chúng tôi chưa tìm thấy thông tin nào liên quan đến dự thảo sửa đổi hai văn bản này về thủ tục nói trên. Do đó, trong khi chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc gỡ bỏ, doanh nghiệp vẫn sẽ cần phải thực hiện thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo để tránh rủi ro bị áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm.

Liên quan đến thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, chúng tôi cung cấp một số vấn đề cần lưu ý như sau:

  1. Điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo
  • Phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
  • Nội dung quảng cáo phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

a) Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược;

b) Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

  • Quảng cáo phải có các nội dung sau đây:

a) Tên mỹ phẩm;

b) Tính năng, công dụng của mỹ phẩm (phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật);

c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;

d) Các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

  • Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác;
  • Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
  • Quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.
  • Có đủ hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định; và
  • Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.

(Theo Điều 20 Luật Quảng cáo, Điều 4 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Điều 6 Thông tư 09/2015/TT-BYT)

  1. Hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo
    • Các giấy tờ quy định tại Điều 13 Thông tư 09/2015/TT-BYT;
    • Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
    • Tài liệu hợp lệ, tin cậy chứng minh cho tính năng, công dụng của sản phẩm trong trường hợp nội dung quảng cáo mỹ phẩm nêu tính năng, công dụng của sản phẩm không có trong nội dung của Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận.

(Theo Điều 15 Thông tư 09/2015/TT-BYT)

  1. Thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với mỹ phẩm của cơ sở đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có trụ sở chính đặt tại địa bàn quản lý của Sở Y tế. Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

(Theo Điều 12.2.a Thông tư 09/2015/TT-BYT)

  1. Thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo

Theo quy định, hồ sơ sẽ được giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ với kết quả là văn bản xác nhận nội dung quảng cáo hoặc văn bản không đồng ý xác nhận nội dung quảng cáo có nêu rõ lý do. Lưu ý, trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung với thời hạn tối đa là 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung. Quá thời hạn này thì hồ sơ hết giá trị.

(Theo Điều 12.3 Nghị định 181/2013/NĐ-CP và Điều 20 Thông tư 09/2015/TT-BYT)

  1. Về thời hạn của giấy xác nhận nội dung quảng cáo

Hiện tại, không có quy định cụ thể về thời hạn của giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sẽ hết hiệu lực nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã hết hiệu lực;
  • Mỹ phẩm bị đình chỉ lưu hành hoặc bị thu hồi hoặc bị rút số tiếp nhận phiếu công bố; hoặc
  • Có những thay đổi về thông tin ảnh hưởng đến tính an toàn và chất lượng của mỹ phẩm.

(Theo Điều 23.2 Thông tư 09/2015/TT-BYT)

  1. Xử phạt vi phạm

Hành vi quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 20 đến 25 triệu đồng. Nếu vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm thì tuỳ hành vi mà có thể bị phạt như sau:

  • Quảng cáo mỹ phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tiếp nhận nhưng khi quảng cáo ở địa phương khác mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi quảng cáo biết: từ 05 đến 10 triệu đồng;
  • Không đọc rõ ràng một trong các thông tin: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm và các cảnh báo theo quy định khi quảng cáo trên báo nói, báo hình: từ 10 đến 15 triệu đồng;
  • Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định: từ 15 đến 20 triệu đồng;
  • Quảng cáo mỹ phẩm chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn: từ 15 đến 20 triệu đồng;
  • Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định: từ 15 đến 20 triệu đồng; và
  • Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc: từ 30 đến 40 triệu đồng.

Các mức phạt nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức sẽ nhân đôi nhưng tối đa là 200 triệu đồng. Ngoài hình thức phạt tiền, tuỳ vào hành vi vi phạm mà có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin, tháo gỡ, tháo dỡ, xoá quảng cáo hoặc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.

(Theo Điều 5, Điều 49, Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP và Nghị định 128/2022/NĐ-CP)

Ngoài các lưu ý trên, pháp luật quảng cáo cũng có các quy định khác có liên quan đến việc quảng cáo nói chung và quy định riêng đối với mỗi loại phương tiện quảng cáo được sử dụng để quảng cáo sản phẩm. Trường hợp Quý Khách hàng có nhu cầu được chi tiết hơn về quảng cáo mỹ phẩm hay các loại hàng hoá, dịch vụ khác, vui lòng liên hệ với LexNovum Lawyers để được tư vấn chuyên sâu.

__________________________________________
𝗟𝗲𝘅𝗡𝗼𝘃𝘂𝗺 𝗟𝗮𝘄𝘆𝗲𝗿𝘀
🌐 Website: https://lexnovum.com.vn/
☎ Hotline: (028) 3911 1551
📩 Email: info@lexnovum.com.vn
#LexNovum #Legalresearch #Advertisingcontentconfirmationprocedure #VietnamCorporateLaw #thuongmaiquocte #giaodichquocte #Marketingcosmetics #Consequencesofviolations #tiepthimypham #quydinhquangcao

Người viết: Cai Thị Ánh Tuyết