Chính sách mới về điện mặt trời mái nhà – Không dùng hết điện, được bán lên lưới điện quốc gia
Trong bối cảnh phát triển năng lượng tái tạo đang trở thành xu hướng toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc sử dụng nguồn năng lượng sạch, điển hình là các chính sách ưu đãi cho hệ thống điện mặt trời mái nhà. Một trong những động thái mới nhất là Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 22/10/2024, với mục tiêu thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ. Nghị định này không chỉ mở ra những cơ hội hấp dẫn cho các cá nhân và tổ chức mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững của ngành năng lượng tại Việt Nam.
Nghị định 135/2024/NĐ-CP khuyến khích phát triển điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, Nghị định cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.
Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định một số chính sách ưu đãi khác, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, có thể kể đến như:
Thứ nhất, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất trong các trường hợp:
(i) Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
(ii) Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;
(iii) Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực (trừ trường hợp thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương) và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Thứ tư, điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.
Thứ năm, công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ; công sở và công trình được xác định là tài sản công được xác định là thiết bị công nghệ gắn vào công trình xây dựng.
Thứ bảy, hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
Thứ tám, khuyến khích tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống lưu trữ điện để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.
Nghị định 135/2024/NĐ-CP được áp dụng cho các tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia quản lý phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Việc ban hành Nghị định này không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Các chính sách khuyến khích và ưu đãi rõ ràng sẽ là động lực quan trọng, thu hút sự tham gia tích cực của các cá nhân, tổ chức trong việc phát triển nguồn năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định.
Trên đây là một số thông tin cập nhật về Nghị định 135/2024/NĐ-CP được áp dụng từ ngày 22/10/2024. Trường hợp có thông tin mới, LexNovum Lawyers sẽ tiếp tục cập nhật đến Quý Khách.
Người thực hiện: Hoàng Vy
Lưu ý:
Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi.
Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.