Mỹ áp thuế 46% với hàng hóa của Việt Nam, con số này được tính như thế nào?
Ngày 02/4/2025 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump chính thức công bố loạt thay đổi quan trọng trong chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm việc áp đặt mức thuế cao chưa từng có đối với nhiều quốc gia. Đáng chú ý, Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thuế đến 46% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Vậy con số này đến từ đâu? LNV sẽ phân tích chi tiết trong bài viết dưới đây.
Cụ thể, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố công thức tính như sau:
Trong đó:
- Δτi: là mức thuế mà Mỹ sẽ áp dụng để “đối ứng” nhằm cân bằng cán cân thương mại với quốc gia i.
- xi: giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang quốc gia i.
- mi: giá trị nhập khẩu của Mỹ từ quốc gia i.
- ε: độ co giãn theo giá (price elasticity), thể hiện lượng nhập khẩu sẽ thay đổi bao nhiêu phần trăm nếu giá thay đổi 1%. Nhà Trắng chọn ε=4 (dựa trên nghiên cứu của Boehm et al., 2023). Điều này có nghĩa là nếu Mỹ tăng giá nhập khẩu 1%, lượng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 4%.
- φ: hệ số chuyển tải thuế vào giá cuối cùng người tiêu dùng phải trả (passthrough rate). Nhà trắng chọn φ=0,25 (dựa trên nghiên cứu của Broda và Weinstein, 2006, và Cavallo et al., 2021). Hệ số chuyển tải (φ) 25%, nghĩa là chỉ 25% thuế áp vào thực sự chuyển thành giá cuối cùng người tiêu dùng Mỹ trả. Điều này có nghĩa là 75% mức thuế phải do các nhà xuất khẩu nước ngoài chịu, thông qua việc giảm giá bán vào thị trường Mỹ.
Áp dụng công thức trên với Việt Nam, năm 2024, Mỹ nhập khẩu 136,6 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam (mi) nhưng chỉ xuất khẩu 13,1 tỷ USD (xi), dẫn đến thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD – tương đương khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại song phương.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu ngắn gọn như sau:
Lưu ý: Cách hiểu trên đúng trong trường hợp này do ε * φ = 1.
Về cơ bản, mức thuế này phản ánh trực tiếp mức thâm hụt thương mại, với mục tiêu cân bằng quan hệ xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Sau khi tính toán mức thuế đối ứng là 90,4%, chính quyền Mỹ áp dụng chính sách “giảm giá”, lấy một nửa con số này, tức: 90,4%/2= 45,2%. Làm tròn lên 46%, đây chính là cơ sở để Nhà Trắng quyết định áp mức thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, mức thuế 46% này không áp dụng đối với tất cả hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Theo Phụ lục II của Sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng, một số mặt hàng sẽ được miễn trừ, có thể kể đến như dược phẩm, chất bán dẫn, đồng, gỗ nguyên liệu, khoáng sản quan trọng và một số mặt hàng năng lượng…. Danh mục chi tiết các sản phẩm được miễn trừ thuế đối ứng, Quý khách hàng vui lòng xem tại đây.
Một số sản phẩm nhôm, thép, các mặt hàng phái sinh từ nhôm thép, ô tô và phụ tùng ô tô cũng được miễn thuế đối ứng. Tuy nhiên, các mặt hàng này vẫn sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% theo Sắc lệnh thuế ngày 10/2/2025 và 26/3/2025 của Tổng thống Trump.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như điện thoại, đồ nội thất, giày dép và hàng dệt may không nằm trong danh sách miễn trừ. Điều này đồng nghĩa với việc các ngành này sẽ chịu tác động đáng kể từ chính sách thuế mới của Mỹ.
Chi tiết về Sắc lệnh áp thuế của Hoa Kỳ, Quý khách hàng có thể tìm thấy tại đây.
Trên đây là một số những thông tin cập nhật về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp cho hàng hóa Việt Nam. LexNovum Lawyers sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật đến Quý Khách hàng khi có thông tin mới.
Trong trường hợp Quý Khách hàng cần tư vấn chuyên sâu, vui lòng liên hệ với LexNovum Lawyers để được tham vấn chi tiết.
Người thực hiện: Phan Nhi, Hoàng Vy
Lưu ý:
Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi.
Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.