Vấn đề pháp lý nổi bật trong các Bản án lao động Quý 3/2024 – Phần 1.2

Bàn luận pháp luật

Vấn đề pháp lý nổi bật trong các Bản án lao động Quý 3/2024 – Phần 1.2

LexNovum Lawyers

LexNovum Lawyers

04/11/2024

PHẦN 1.2: THỦ TỤC “TRAO ĐỔI Ý KIẾN VỚI TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN NLĐ TẠI CƠ SỞ” (ĐIỀU 42.6 BLLĐ 2019) VÀ “TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC” (ĐIỀU 63.2.C BLLĐ 2019) TRONG TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI CƠ CẤU, CÔNG NGHỆ HOẶC VÌ LÝ DO KINH TẾ LÀ MỘT HAY HAI THỦ TỤC KHÁC NHAU?

Theo Điều 34.11 Bộ luật Lao động 2019 (“BLLĐ 2019”), Người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) có quyền cho thôi việc Người lao động (“NLĐ”) bị dôi dư khi có sự thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Do việc cho thôi việc NLĐ dôi dư do thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ nên pháp luật hiện hành quy định khá nghiêm ngặt về quy trình thực hiện. Nếu không tuân thủ quy định, cơ quan tài phán có thể xem xét NSDLĐ có hành vi đơn phương chấm hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) trái pháp luật, từ đó, buộc NSDLĐ thực hiện các trách nhiệm theo Điều 41 BLLĐ 2019.

Trong quá trình tư vấn, LNV nhận được thắc mắc từ nhiều khách hàng về việc thủ tục “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (Điều 42.6 BLLĐ 2019) và “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” (Điều 63.2.c BLLĐ 2019) là một hay hai thủ tục khác nhau?. Để làm rõ vấn đề này, LNV sẽ bình luận dựa trên các nội dung sau: i) Phân tích quy định pháp luật liên quan và ii) Góc nhìn của Tòa án.

1. Phân tích quy định pháp luật liên quan

Theo Điều 42.6 BLLĐ 2019, Pháp luật lao động (“PLLĐ”) quy định NSDLĐ có trách nhiệm trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở mà NLĐ là thành viên trước khi cho NLĐ thôi việc do thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

Bên cạnh đó, PLLĐ đồng thời quy định NSDLĐ phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc khi có vụ việc tại Điều 42 (Điều 63.2.c BLLĐ 2019). Liên quan đến tổ chức đối thoại khi có vụ việc, Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP (“NĐ 145”) hướng dẫn như sau: “Đối với vụ việc NSDLĐ phải tham khảo, trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở về quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36; cho thôi việc đối với NLĐ theo quy định tại Điều 42; phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44; thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Điều 93; quy chế thưởng theo quy định tại Điều 104 và nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 của BLLĐ…”.

Dựa vào các quy định nêu trên, phần lớn NSDLĐ suy luận rằng “cho thôi việc đối với NLĐ theo Điều 42” thuộc trường hợp cần tổ chức đối thoại, do đó, thủ tục “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (Điều 42.6 BLLĐ 2019) chính là “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” (Điều 63.2.c BLLĐ 2019).

Về phía LNV, chúng tôi không đồng tình với quan điểm nêu trên. Bởi lẽ, dựa vào việc phân tích quy định pháp luật cùng kinh nghiệm thực tiễn, LNV nhận thấy rằng thành phần tham dự và quy trình thực hiện của 02 thủ tục nêu trên khác nhau, cụ thể:

Như vậy, từ việc phân biệt các vấn đề trong hai thủ tục, chúng ta có thể thấy “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (Điều 42.6 BLLĐ 2019) và “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” (Điều 63.2.c BLLĐ 2019) là 02 thủ tục khác nhau. Theo đó, khi cho NLĐ thôi việc vì thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, NSDLĐ có trách nhiệm phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; trái lại, đối với việc trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, NSDLĐ không bắt buộc phải thực hiện khi thuộc trường hợp: i) NLĐ không tham gia tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở, hoặc ii) doanh nghiệp không có có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.

Chi tiết, Quý Khách hàng có thể tham khảo tại bài viết: Vấn đề pháp lý nổi bật trong các Bản án lao động Quý 3/2024 – Phần 1.1: Đối thoại và tham khảo ý kiến tại nơi làm việc không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

2. Góc nhìn của Tòa án về thủ tục “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (Điều 42.6 BLLĐ 2019) và “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” (Điều 63.2.c BLLĐ 2019)

Để minh họa rõ hơn về quan điểm của Tòa án liên quan đến các thủ tục nêu trêu, LNV lấy ví dụ từ 02 bản án tiêu biểu, cụ thể như sau:

i) Bản án số 02/2024/LĐ-PT do TAND Thành phố Hải Phòng ban hành ngày 05/8/2024: Ông C và Viện Tài nguyên và Môi trường B (“Viện B”) giao kết HĐLĐ, vị trí lái xe ô tô. Vì nguyên nhân khách quan xe ô tô do ông C phụ trách bị hư hỏng và không thể sửa, nên Viện B đã thực hiện thay đổi cơ cấu và chấm dứt HĐLĐ với ông C. Không đồng ý với quyết định của Viện B, ông C đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Theo đó, Tòa án đã xem xét tách biệt 02 thủ tục nêu trên tại Mục [4.4] và Mục [4.6] trong phần Nhận định của Tòa án, cụ thể:

      • Về thủ tục thủ tục trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ, Tòa án nhận định tại Mục [4.4] như sau: “Theo Biên bản ngày 12/9/2022 thể hiện Viện B đã tổ chức cuộc họp hội đồng tư vấn thanh lý tài sản và bố trí lại lao động dôi dư, trong đó có họp bàn nội dung cho thôi việc đối với ông C... Như vậy, về trình tự, thủ tục thực hiện cho thôi việc đối với ông C đã thực hiện theo đúng quy định tại Điều 42.6 BLLĐ về việc trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở và thông báo trước cho NLĐ.”
      • Về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Tòa án nhận định tại Mục [4.6] như sau: “Ngày 06/10/2022, Viện B đã tổ chức cuộc họp đối thoại với sự tham dự của đại diện Chi ủy, Lãnh đạo viện, lãnh đạo phòng Quản lý tổng hợp, đại diện tổ công đoàn nơi ông C công tác, Ban chấp hành Công đoàn Viện và ông C theo đúng quy định tại Điều 63.2.c BLLĐ và hướng dẫn tại mục 1 Chương V NĐ 145/2020/NĐ-CP.”

ii) Bản án số 01/2024/LĐ-PT do TAND Thành phố Hải Phòng ban hành ngày 31/7/2024: Bà Q và Công ty TNHH L (“Công ty L”) giao kết HĐLĐ, vị trí Giám đốc pháp lý. Xét thấy bộ phận pháp chế làm việc không hiệu quả nên Công ty L đã thay đổi cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, cắt giảm bộ phận pháp chế và chấm dứt HĐLĐ với Bà Q. Theo đó, Bà Q cho rằng Công ty có hành vi chấm dứt HĐLĐ trái luật nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Liên quan đến thủ tục thay đổi về cơ cấu, tổ chức lại lao động, tại phần Nhận định của Tòa án (trang 12 của Bản án), Tòa án cho rằng: “thủ tục đối thoại tại nơi làm việc” và “thủ tục tham khảo ý kiến Ban chấp hành Công đoàn cơ sở” về Dự thảo Phương án sử dụng lao động và về việc cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động là 02 thủ tục khác nhau (về thành phần tham gia, quy trình thực hiện)”. Trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ vụ án, phía Công ty L đã thực hiện đầy đủ 02 thủ tục này.

Có thể thấy rằng, trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, Tòa án có xu hướng xem xét chi tiết về tính tuân thủ quy trình chấm dứt HĐLĐ. Theo đó, việc chấp hành đúng, đủ các thủ tục luật định được xem là căn cứ quan trọng ảnh hưởng đến nhận định của Tòa án về việc NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng quy định pháp luật hay không. Dựa vào 02 bản án tiêu biểu nêu trên, LNV nhận thấy rằng Tòa án nhận định việc “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” và “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” là 02 thủ tục riêng biệt khi NSDLĐ cho thôi việc NLĐ bị dôi dư do thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.

3. Khuyến nghị của LNV

Từ các phân tích trên, LNV khuyến nghị như sau:

i) Đối với NSDLĐ: Trường hợp cho thôi việc NLĐ bị dôi dư do thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, NSDLĐ cần thực hiện đúng và đủ 02 thủ tục gồm: “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở) (Điều 42.6 BLLĐ 2019) và “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” (Điều 63.2.c BLLĐ 2019). Quy trình, các lưu ý khi triển khai hai thủ tục được trình bày tại bảng so sánh trong phần 1 của bài viết này.

ii) Đối với NLĐ: Khi doanh nghiệp cho NLĐ thôi việc do thay đổi về cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, NLĐ nên chủ động tìm hiểu quy định pháp lý về quy trình thực hiện và các quyền lợi mà NLĐ sẽ được hưởng để có cơ sở theo dõi và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bản thân. Đồng thời, LNV khuyến nghị NLĐ tham gia đối thoại và các cuộc họp liên quan để chủ động nắm bắt tình hình, trao đổi, thương lượng với NSDLĐ về quyền lợi của NLĐ.

Trên đây là một số ý kiến của LNV về thủ tục “trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở” (Điều 42.6 BLLĐ 2019) và “tổ chức đối thoại tại nơi làm việc” (Điều 63.2.c BLLĐ 2019) trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật cùng xu hướng xét xử của một số cơ quan tài phán hiện nay. Hy vọng những thông tin và đề xuất của LNV hữu ích đối với Quý khách hàng.

Người thực hiện: Phan Nhi, Ngọc Mai, Quế Trân

Lưu ý: Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi.

Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.