Vấn đề pháp lý nổi bật trong các Bản án lao động Quý 1/2024 – Phần 4
PHẦN 4: QUAN ĐIỂM CỦA TÒA ÁN VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU KHỞI KIỆN TRONG TRANH CHẤP VỀ TIỀN LƯƠNG
Trong Quý 1/2024, LexNovum Lawyers (“LNV”) đã tiến hành tóm tắt và bình luận các vấn đề pháp lý nổi bật trong các bản án lao động được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án – Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Quý Khách hàng có thể tham khảo các bài bình luận khác theo đường link cuối bài.
Trong bài bình luận phần 4, LNV sẽ tập trung phân tích quan điểm của Tòa án liên quan đến cách xác định thời hiệu khởi kiện trong tranh chấp về tiền lương. Theo đó, trong quá trình tóm tắt, LNV nhận thấy rằng một bên trong tranh chấp về tiền lương thường có xu hướng vận dụng quy định tại Điều 190.3 Bộ luật Lao động (“BLLĐ”), Điều 184.2 và Điều 217.1.e Bộ luật Tố tụng dân sự (“BLTTDS”), từ đó, đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do đã hết thời hiệu khởi kiện.
Theo Điều 179.1.a và Điều 190.3 BLLĐ, tranh chấp về tiền lương là tranh chấp lao động cá nhân, theo đó, thời hiệu khởi kiện của tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định chi tiết nào để hướng dẫn việc xác định “ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Nhưng sau quá trình nghiên cứu, LNV nhận thấy có 2 quan điểm phổ biến về việc xác định thời hiệu khởi kiện tranh chấp tiền lương thường được Tòa án đưa ra, cụ thể như sau:
Quan điểm 1: Tòa án xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm thực tế người lao động (“NLĐ”) được trả lương cuối cùng, cụ thể:
- Trong Bản án số 01/2024/LĐ-PT đề ngày 19/3/2024 và Bản án số 02/2024/LĐ-PT đề ngày 21/3/2024, Tòa án Nhân dân (“TAND”) tỉnh Nam Định xác định Tòa án nhận định rằng tranh chấp về tiền lương là một quan hệ pháp luật, việc trả lương của người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) được thực hiện hàng tháng và liên tục nên cần xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp này được tính kể từ thời điểm thực tế được trả lương cuối cùng.
Ví dụ: Theo Bản án số 01/2024/LĐ-PT, trên thực tế, NLĐ được NSDLĐ trả lương từ tháng 10/2014 đến hết tháng 7/2018 rồi sau đó NSDLĐ không thực hiện đúng trách nhiệm trả lương nữa. Nhưng hơn 4 năm sau, ngày 22/11/2022, NLĐ mới tiến hành khởi kiện vụ án ra TAND tỉnh Nam Định. Theo quan điểm của Tòa án, thời hiệu trong vụ án này cần được xác định bắt đầu từ thời điểm cuối cùng mà NLĐ được NSDLĐ trả lương. Tức, tính từ ngày NLĐ được trả lương cuối cùng đến ngày NLĐ nộp đơn khởi kiện ra Toà án là 4 năm 3 tháng. Theo đó, căn cứ Điều 190 BLLĐ 2019, Tòa án xác định yêu cầu khởi kiện về tiền lương của nguyên đơn đã hết thời hiệu khởi kiện. Như vậy, theo quan điểm của TAND tỉnh Nam Định, thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp tiền lương được tính kể từ thời điểm thực tế NLĐ được trả lương cuối cùng.
- Đồng quan điểm với TAND tỉnh Nam Định, TAND TP. Hồ Chí Minh trong Bản án số 653/2023/LĐ-ST đề ngày 12/6/2023 cũng xác định thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày NLĐ đáng lẽ phải được NSDLĐ chi trả tiền lương (hạn trả lương hàng tháng).
Quan điểm 2: Tòa án xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là thời điểm cuối cùng các bên trao đổi về nợ lương, cụ thể:
Trong Bản án số 3908/2023/LĐ-ST đề ngày 26/9/2023, TAND Thành phố Thủ Đức – TP.HCM đã xem xét thời điểm NSDLĐ xác nhận và trao đổi về việc thanh toán nợ lương cho NLĐ qua email là “cơ sở để xem xét mốc thời hiệu khởi kiện”. Như vậy, TAND Thành phố Thủ Đức đã xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện là thời điểm cuối cùng các bên trao đổi về nợ lương.
Ví dụ: Theo Bản án số 3908/2023/LĐ-ST, vào ngày 03/02/2021, NLĐ và NSDLĐ ký biên bản xác nhận công nợ, qua đó thống nhất về số tiền lương mà NSDLĐ còn nợ NLĐ và cách thức, thời hạn NSDLĐ sẽ trả nợ lương cho NLĐ. Ngày 24/01/2022, đại diện NSDLĐ gửi email cho NLĐ để thống nhất một lần nữa về cách thức, thời hạn trả nợ lương. Theo quan điểm của TAND TP. Thủ Đức, thời điểm hai bên xác nhận và trao đổi về việc thanh toán nợ lương vào ngày 24/01/2022 mới là thời điểm để xác định thời hiệu khởi kiện. Có nghĩa là, theo quan điểm của TAND TP. Thủ Đức, thời điểm hai bên ký biên bản xác nhận công nợ sẽ không được xác định là mốc thời gian để tính thời hiệu khởi kiện nếu sau thời điểm đó, quá trình trao đổi, thương lượng liên quan đến vấn đề thanh toán nợ lương giữa hai bên vẫn chưa kết thúc. Như vậy, thời điểm cuối cùng mà hai bên cùng nhau trao đổi, xác nhận về việc thanh toán nợ lương sẽ là cơ sở để xem xét mốc thời hiệu khởi kiện.
Căn cứ vào quan điểm của Tòa án về việc xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện tranh chấp lao động về tiền lương, LNV nhận thấy rằng dù có những cách giải thích khác nhau, Tòa án vẫn thống nhất trong việc xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu là từ thời điểm bên bị xâm phạm nhận thức được việc quyền lợi của mình đã bị xâm hại. Theo đó, trực quan thì nếu đến hạn trả lương mà NLĐ không được trả lương, NLĐ biết và có nghĩa vụ phải biết quyền lợi của mình đã bị vi phạm. Tuy nhiên, nếu việc không được thanh toán lương đúng hạn đi kèm với những trao đổi như hẹn trả sau, khất nợ, đàm phán lại về mức lương,… thì thời điểm chính thức mà theo góc nhìn của Tòa án là NLĐ phát hiện ra hành vi và cho rằng quyền của mình bị vi phạm có thể được kéo dài hơn so với trường hợp các bên không có bất kỳ trao đổi nào.
Từ các phân tích trên, LNV khuyến nghị như sau:
- Đối với NSDLĐ: Trường hợp NSDLĐ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán tiền lương, đã nỗ lực làm việc với NLĐ nhưng các bên không thể thống nhất thì NSDLĐ không nên kéo dài việc trao đổi với NLĐ về tiền lương trong thời gian tranh chấp dưới mọi hình thức. Bởi lẽ, Tòa án có thể dựa vào thời điểm cuối cùng các bên trao đổi về tiền lương để “xem xét kéo dài thời hiệu khởi kiện của người lao động”.
- Đối với NLĐ: Trường hợp nhận thấy NSDLĐ không thực hiện đúng/đầy đủ nghĩa vụ trả lương, NLĐ nên xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ thời điểm thực tế NLĐ được đáng lẽ được trả lương cuối cùng và sớm chủ động nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
LNV mong rằng, dù trên cương vị là NLĐ hay NSDLĐ, Quý Khách hàng đều có thể xem bài viết này là một nguồn tham khảo nhằm tìm ra phương án phù hợp áp dụng vào trong quá trình giải quyết tranh chấp về tiền lương.
Người thực hiện: Ngọc Mai, Phan Nhi
Lưu ý: Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi. Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.
Bài viết: Vấn đề pháp lý nổi bật trong các bản án lao động Quý 1/2024