Vấn đề pháp lý nổi bật trong các bản án lao động Quý 1/2024 – Phần 1

Bàn luận pháp luật

Vấn đề pháp lý nổi bật trong các bản án lao động Quý 1/2024 – Phần 1

LexNovum Lawyers

LexNovum Lawyers

04/07/2024

Sau quá trình tổng hợp bản án tranh chấp lao động được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án – Tòa Án Nhân Dân Tối Cao trong Quý 1/2024, LexNovum Lawyers (“LNV”) nhận thấy có 10/58 bản án tranh chấp về việc cá nhân cho mượn/mất hồ sơ pháp lý bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến bảo hiểm xã hội (“BHXH”). Do đó, trong bài viết này, LNV sẽ bàn luận về thực trạng và quan điểm pháp lý của LNV liên quan đến nội dung nêu trên.

Hiện nay, việc mượn/lấy trộm hồ sơ pháp lý nhằm làm giả sơ yếu lý lịch để giao kết Hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) của một số cá nhân diễn ra tại nhiều địa phương. Thực trạng này dẫn đến hệ quả là các cá nhân cho mượn/mất hồ sơ pháp lý bị xác định là có 02 quá trình tham gia bảo hiểm xã hội (“BHXH”) khác nhau, với thời gian, mức tham gia BHXH,… khác nhau. Điều này dẫn đến bất tiện cho cá nhân cho mượn/bị mất trộm khi có nhu cầu nộp hồ sơ hưởng chế độ (ví dụ như nhận BHXH một lần, bảo hiểm thất nghiệp, cấp lại/cập nhật/điều chỉnh sổ BHXH… Bởi lẽ, trước khi giải quyết hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ kiểm tra thông tin, quá trình tham gia BHXH. Nếu phát hiện trường hợp cùng một cá nhân nhưng lại có 02 quá trình tham gia BHXH khác nhau mà quá trình tham gia BHXH còn lại là do một cá nhân mạo danh đăng ký, cơ quan BHXH sẽ hướng dẫn cá nhân cho mượn/mất hồ sơ pháp lý giải quyết tình trạng trên tại Tòa án (Tham khảo phần Hỏi – Đáp trên trang điện tử của BHXH Việt Nam, truy cập ngày 07/06/2024: https://baohiemxahoi.gov.vn/hoidap/Pages/default.aspx?ItemID=131314).

Qua quá trình tổng hợp bản án, LNV nhận thấy khi phát hiện thông tin tham gia BHXH của mình bị trùng, thay vì có thể khiếu nại lên cơ quan quản lý về BHXH, cá nhân có thông tin bị giả mạo phải đi một con đường khá dài là khởi kiện để yêu cầu tòa án có thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ giữa đối tượng mạo danh và Công ty nơi đối tượng mạo danh tham gia BHXH là vô hiệu.

Bên cạnh đó, trong quá trình khởi kiện, bên cạnh việc yêu cầu tuyên HĐLĐ giữa cá nhân giả mạo với Công ty nơi họ làm việc là vô hiệu, người khởi kiện cần yêu cầu Tòa án giải quyết hệ quả pháp lý khi HĐLĐ bị tuyên vô hiệu như phải yêu cầu hủy thời gian tham gia BHXH bị trùng ở phía NLĐ mạo danh,…. Để minh họa rõ hơn vấn đề này, LNV lấy ví dụ từ 02 bản án của Quý 1/2024 với hai hướng yêu cầu, cụ thể như sau:

  • Bản án số 03/2024/LĐ-ST của Tòa án nhân dân Thành phố Dĩ An Tỉnh Bình Dương đề ngày 10/01/2024 (“Bản án 1”): Khi nộp hồ sơ yêu cầu điều chỉnh thông tin sổ BHXH, bà H được BHXH Thành phố Dĩ An thông báo hồ sơ BHXH bị trùng thời gian tham gia BHXH vào tháng 04/2011 – 12/2011. Do đó, bà H khởi kiện Công ty P (công ty giao kết HĐLĐ với cá nhân giả mạo hồ sơ) để yêu cầu Tòa án tuyên HĐLĐ giữa Công ty P và bà H vô hiệu. Theo đó, Tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H nhưng không đưa ra hướng giải quyết liên quan đến quá trình tham gia BHXH bị trùng.
  • Bản án số 01/2024/LĐ-ST của Tòa án nhân dân Thành phố Việt Trì, Tỉnh Phú Thọ đề ngày 10/01/2024 (“Bản án 2”): Trong cùng bối cảnh nêu trên, bà L đã khởi kiện để yêu cầu tuyên HĐLĐ giữa Công ty D và cá nhân mạo danh vô hiệu, từ đó yêu cầu Tòa án yêu cầu cơ quan BHXH tỉnh Phú Thọ hoàn trả tiền tham gia BHXH trong thời gian đóng trùng của cá nhân mạo danh. Trong Bản án này, Tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà L, trong đó chỉ rõ yêu cầu đối với BHXH trong việc giải quyết quá trình tham gia BHXH bị trùng trước đó.

Theo đó, LNV nhận thấy để giải quyết triệt để tình trạng trùng quá trình tham gia BHXH, nếu người khởi kiện chỉ yêu cầu Tòa án tuyên HĐLĐ vô hiệu (tương tự như trường hợp của bà H trong Bản án 1) là chưa đủ. Sở dĩ nói yêu cầu trên là chưa đủ giải quyết triệt để vấn đề là bởi vì mục đích của việc khởi kiện không chỉ nhằm ngăn chặn tình trạng trùng quá trình tham gia BHXH tiếp diễn mà còn để làm “sạch” quá trình trùng BHXH trước đó của cá nhân, tạo cơ sở để cá nhân yêu cầu BHXH giải quyết các chế độ BHXH. Song, theo nguyên tắc tố tụng dân sự, Tòa án chỉ giải quyết vụ việc, tranh chấp trong phạm vi yêu cầu khởi kiện được đương sự đưa ra. Do đó, việc người khởi kiện chỉ yêu cầu Tòa án tuyên HĐLĐ bị vô hiệu mà không đưa ra yêu cầu giải quyết hệ quả của HĐLĐ vô hiệu sẽ dẫn đến kết quả là bản án của Toà án không giải quyết đầy đủ, triệt để các vấn đề liên quan đến vụ việc để đảm bảo quyền lợi của cá nhân bị trùng BHXH đáng được nhận.

Tóm lại, khi phát hiện tình trạng bị trùng quá trình tham gia BHXH vì có cá nhân mạo danh hồ sơ của mình để ký HĐLĐ, cá nhân bị giả mạo có thể nộp Đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ giữa cá nhân giả mạo và công ty nơi cá nhân đó làm việc vô hiệu. Trong yêu cầu khởi kiện, người khởi kiện cần chú ý yêu cầu Tòa án giải quyết hệ quả của HĐLĐ vô hiệu, bao gồm yêu cầu BHXH hủy Sổ BHXH của cá nhân mạo danh và quá trình tham gia BHXH trước đó tương ứng với HĐLĐ bị vô hiệu.

Người thực hiện: Phan Thị Nhi, Đinh Trần Ngọc Mai

Lưu ý:

Bài viết này được thực hiện dựa trên quy định của pháp luật Việt Nam (hiện hành) và kinh nghiệm thực tế. Những thông tin tại bài viết này chỉ nên được sử dụng nhằm mục đích tham khảo. Chúng tôi không chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào sử dụng thông tin tại bài viết này ngoài mục đích tham khảo. Trước khi đưa ra bất kỳ sự lựa chọn hoặc quyết định nào, Quý khách vui lòng tham vấn thêm các khuyến nghị một cách chính thức, hoặc liên hệ LexNovum Lawyers để nhận được sự tư vấn chuyên sâu từ chúng tôi.  

Vui lòng trích dẫn nguồn “LexNovum Lawyers” khi sử dụng hoặc chia sẻ bài viết này tại bất kỳ đâu.