Người lao động làm việc ca đêm (ca 3) đến sáng ngày nghỉ hằng tuần hoặc sáng ngày nghỉ lễ, tết thì được hưởng lương như thế nào?
Nội dung câu hỏi:
Công ty chúng tôi có một số NLĐ làm ca đêm tại nhà máy, thời gian làm việc bắt đầu từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Theo đó, trong trường hợp thời gian làm việc bắt đầu vào 22 giờ ngày liền kề trước và kết thúc vào lúc 6 giờ ngày lễ, tết (VD: bắt đầu làm lúc 22 giờ ngày 29/4 đến 6 giờ ngày 30/4 – ngày nghỉ lễ) hoặc ngày cuối tuần (VD: bắt đầu làm lúc 22 giờ thứ bảy và hoàn thành ca làm lúc 6h sáng chủ nhật) thì Công ty chúng tôi cần tính lương cho NLĐ như thế nào? Có cần trả lương làm thêm giờ cho NLĐ hay không?
Trả lời:
Cách tính lương cho thời gian làm việc vào ban đêm bắt đầu từ 22:00 của ngày liền kề trước ngày nghỉ lễ, tết cho đến 6:00 của ngày lễ, tết:
Căn cứ quy định về chế độ nghỉ lễ, tết tại Điều 112 BLLĐ 2019:
“Điều 112. Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
2. Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
3. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều này.”
Theo đó, ngày nghỉ lễ, tết hiện nay được ấn định cụ thể tại BLLĐ 2019 hoặc theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ được ban hành hằng năm theo điều kiện thực tế. Theo đó, việc NLĐ đi làm trong những ngày nghỉ lễ, tết đã được ấn định theo quy định pháp luật hoặc Quyết định của Thủ tướng chính phủ được xem là làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy, trường hợp NLĐ của công ty đi làm vào ca đêm từ 22 giờ ngày liền kề trước ngày nghỉ lễ, tết cho đến 6 giờ ngày nghỉ lễ, tết thì khoảng thời gian từ 0 giờ đến 6 giờ ngày lễ, tết đó sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Do đó, công ty cần thực hiện chi trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết theo đúng quy định tại điều 98 BLLĐ 2019.
Ví dụ: NLĐ đi làm vào 22h ngày 29/4 đến 06h ngày 30/4. Theo đó,
- Từ 22h đến 24h ngày 29/4, mức lương là 100% lương ngày làm việc bình thường cộng 30% lương ngày làm việc bình thường vì làm việc vào ban đêm là 130%.
- Từ 0h đến 06h ngày 30/4, mức lương là 390%.
Cách tính lương cho thời gian làm việc vào ban đêm bắt đầu từ 22 giờ của ngày liền kề trước ngày nghỉ hằng tuần cho đến 6 giờ ngày nghỉ hằng tuần.
Căn cứ quy định về nghỉ hằng tuần tại Điều 111 BLLĐ 2019:
Điều 111. Nghỉ hằng tuần
1. Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.
2. Người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày Chủ nhật hoặc ngày xác định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
3. Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.
Theo đó pháp luật hiện hành không ấn định ngày nghỉ hằng tuần cụ thể mà đưa ra yêu cầu NSDLĐ phải đảm bảo thời gian nghỉ hằng tuần cho NLĐ là một khoảng thời gian liên tục 24 tiếng/tuần, việc quy định ngày nghỉ hằng tuần cụ thể được giao cho NSDLĐ quyết định và quy định rõ tại Nội quy lao động.
Do đó, trường hợp NLĐ làm ca đêm từ 22 giờ của ngày liền kề trước ngày nghỉ hằng tuần cho đến 6 giờ của ngày nghỉ hằng tuần (VD: Ngày chủ nhật) và NSDLĐ vẫn đảm bảo đủ cho NLĐ được nghỉ hằng tuần một khoảng thời gian 24 giờ liên tục xác định từ 06h sáng ngày chủ nhật đến 6h sáng ngày thứ hai tuần sau thì thời gian làm ca đêm kể trên vẫn là thời gian làm việc bình thường của NLĐ. Do đó, khoảng thời gian từ 00:00 đến 6:00 sáng ngày chủ nhật vẫn thuộc thời gian làm việc vào ngày thường của NLĐ và NSDLĐ có thể tính lương cho NLĐ với mức lương là 100% lương ngày làm việc bình thường cộng 30% lương ngày làm việc bình thường vì làm việc vào ban đêm là 130% cho suốt 8 giờ làm việc kể trên của NLĐ.
Bên cạnh đó, để tránh việc NLĐ có thắc mắc về cách tính lương trường hợp làm ca đêm có khoảng thời gian rơi vào ngày nghỉ hằng tuần so với trường hợp làm ca đêm có khoảng thời gian rơi vào ngày nghỉ lễ, tết, NSDLĐ nên thể hiện rõ vấn đề nghỉ hằng tuần tại Nội quy lao động của Công ty. Trong đó, NSDLĐ cần lưu ý rõ đối với những NLĐ làm ca 3, thời gian nghỉ hằng tuần được xác định là 24 giờ liên tục tính từ 06h sáng ngày chủ nhật đến 6h sáng thứ hai tuần sau (giả định thời gian nghỉ hằng tuần của đại đa số NLĐ là ngày chủ nhật).
Trường hợp vô tình hoặc cố ý, NSDLĐ không trả lương làm thêm giờ hoặc trả không đủ lương làm thêm giờ cho NLĐ, NSDLĐ có thể bị áp dụng các chế tài sau:
- Phạt tiền từ 10 đến 100 triệu tùy số lượng người lao động bị vi phạm trong mỗi trường hợp của từng hành vi sau: “không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm” (Theo Điều 6.1 và Điều 17.2 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc NSDLĐ trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho NLĐ tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (Điều 17.5a Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Người thực hiện: Phan Thị Nhi, Ngô Bình An