Kinh nghiệm và thực tiễn: Tổng hợp một số quan điểm về định kiến giới tại 05 quốc gia
Tiếp nối chủ đề Định kiến giới liên quan đến lao động có thể bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 125/2021/NĐ-CP được chúng tôi đăng tải vào ngày 17/2/2022, tiếp theo đây LexNovum Lawyers xin được gửi đến Quý khách hàng thông tin các vụ việc được chúng tôi lược dịch theo báo cáo nghiên cứu của Eurofound (2018) về tình trạng phân biệt đối xử với nam giới tại nơi làm việc: Kinh nghiệm ở năm quốc gia, Văn phòng xuất bản của Liên minh Châu Âu, Luxembourg.
Phiên bản đầy đủ vui lòng xem tại đây: https://www.eurofound.europa.eu/publications/report/2018/discrimination-against-men-at-work-experiences-in-five-countries
Phân biệt đối xử về giới tính trong công việc xảy ra khi hai người khác giới được đối xử khác nhau về các khía cạnh như tiếp cận công việc, đào tạo, khen thưởng, công nhận và trả lương. Báo cáo này nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng phân biệt đối xử giới tính trong tuyển dụng thông qua việc xem xét các tranh chấp và tranh luận liên quan. 5 trong số 28 quốc gia thành viên Eu đã được chọn để trình bày chi tiết hơn trong báo cáo này gồm Bulgaria, Bỉ, Đan Mạch, Pháp và Ireland.
Bungary, năm 2010, sau khi xem một quảng cáo tuyển dụng trực tuyến cho công việc bồi bàn, một ứng viên nam đã đến nộp đơn ứng tuyển vào vị trí này, tuy nhiên khi đến nơi anh lại nhận được thông báo rằng họ chỉ tuyển nữ làm phục vụ bàn. Ứng viên này sau đó đã khởi kiện vụ việc lên Ủy ban Bảo vệ chống Phân biệt đối xử (CPD). Tuy nhiên, CPD đã bác bỏ vụ kiện vì cho rằng ứng viên này không thể chứng minh mình đã thực sự nộp đơn xin việc.
Pháp, một người đàn ông đã nộp đơn xin vào làm nhân viên chăm sóc y tế tại một Trung tâm lưu trú trẻ em. Tuy nhiên, đơn ứng tuyển của người này đã bị từ chối với lý do Ban quản lý trung tâm chỉ muốn tuyển nữ cho vị trí này trước những lo ngại về vấn nạn lạm dụng tình dụng trẻ em. Người này sau đó đã gửi đơn kiến nghị đến Cơ quan chống phân biệt đối xử và bình đẳng (HALDE). Cơ quan này đã gửi một lá thư cho người sử dụng lao động nói rằng quyết định này là phân biệt đối xử; và cũng đã thông báo vụ việc cho công tố viên.
Đan Mạch, một số khiếu nại liên quan đến các quảng cáo tuyển dụng chỉ nhằm vào các ứng viên nữ đã được gửi đến Hội đồng Đối xử bình đẳng của Đan Mạch. Ví dụ: một người đàn ông xin ứng tuyển vào làm tại bộ phận quần áo nữ của một cửa hàng bách hóa nhưng đã bị từ chối vì lý do giới tính không phù hợp với vị trí tuyển dụng. Hội đồng đã quyết định rằng ứng viên nam đã bị phân biệt đối xử về giới tính vì không được nhà tuyển dụng xem xét cho vị trí ứng tuyển.
Năm 2015, một cửa hàng bán quần áo khác ở Đan Mạch đã đăng quảng cáo tìm kiếm một ứng viên là ‘một cô gái trẻ sành sỏi về thời trang và ưa thích công việc với những trang phục thanh lịch’. Sau khi xem xét đơn khiếu nại từ một ứng viên nam tiềm năng cho vị trí tuyển dụng, Hội đồng Đối xử bình đẳng (Board of Equal Treatment) ra phán quyết rằng quảng cáo tuyển dụng đã vi phạm các quy định của Đạo luật Đối xử Bình đẳng (Equal Treatment Act). Trong một trường hợp khác, một người đàn ông đã liên hệ với một tiệm bánh xin ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng nhưng lại được cửa hàng thông báo họ chỉ tuyển nữ cho vị trí này với lý do nhân viên bán hàng phải mang tạp dề ngắn. Một lần nữa, Hội đồng Đối xử bình đẳng phán quyết người đàn ông đã bị phân biệt đối xử.
Pháp, một người đàn ông đã đưa vụ việc kỳ thị giới tính ra cơ quan Bảo vệ quyền lợi của Pháp (Defenders of Rights) nhằm phản đối công ty đã đăng quảng cáo tuyển dụng (vị trí nhân viên lễ tân) chỉ nhắm vào phụ nữ. Cơ quan này đã khuyến nghị nhà tuyển dụng nên sửa đổi các phương thức tuyển dụng của mình để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử. Một ứng viên nam khác cũng đã đưa vụ việc của mình ra Cơ quan Bảo vệ Quyền lợi liên quan đến một thông báo tuyển dụng ghi rõ nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí là ‘một nữ bồi bàn/nữ phục vụ quán bar’. Trong vụ việc này, Cơ quan Bảo vệ Quyền lợi đã can thiệp và yêu cầu công ty phải thay đổi thông báo tuyển dụng phù hợp với các quy định của pháp luật.
Cũng tại Pháp, một nam ứng viên đã bị các trường từ chối đơn xin học nghề chỉ vì giới tính của mình. Người đàn ông đã khiếu nại rằng cả ba trường với chuyên ngành đào tạo về chăm sóc sắc đẹp đã từ chối đơn đăng ký của anh ta. Khi được chất vấn bởi Cơ quan Bảo vệ Quyền lợi, hai trong số các trường xác nhận theo quy định họ phải từ chối đơn đăng ký của nam giới vì không thể tổ chức các lớp học hỗn hợp nam nữ do những bất tiện gây ra cho cả nam và nữ khi phải gần gũi về mặt thể chất trong các lớp học thực hành. Trường học thứ ba khi được hỏi giải thích rằng theo quy định họ cũng không thể nhận các ứng viên nam vì trường không có phòng thay đồ riêng cho nam và nữ. Cơ quan Bảo vệ Quyền lợi kết luận rằng việc từ chối đơn đăng ký của nam giới đã cấu thành sự phân biệt đối xử về giới tính và khuyến nghị các trường nên thay đổi để phù hợp với nhu cầu học nghề của các giới và thực tiễn giảng dạy.
Bỉ, một người đàn ông đã ứng tuyển vào vị trí Trợ lý hành chính nhưng bị từ chối vì công ty chỉ tìm kiếm các ứng viên là nữ giới cho vị trí tuyển dụng này. Tòa án Lao động Brussels đã ra phán quyết rằng công ty này phải bồi thường cho người ứng tuyển một khoản tiền là € 5.308. Theo số liệu của Viện Bình đẳng Phụ nữ và Nam giới của Bỉ, khoảng 40% các khiếu nại về phân biệt đối xử liên quan đến công việc là do nam giới đệ trình.
Đôi khi, cũng khó chứng minh có sự phân biệt đối xử về giới tính hay không, ngay cả khi quảng cáo tuyển dụng ngụ ý chỉ dành cho các ứng viên nữ. Năm 2014, một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra tại Đan Mạch sau khi một nhà hàng bán bánh mì kẹp thịt có tên Hot Buns được khai trương ở Copenhagen. Liên đoàn Công nhân Đan Mạch thống nhất (The United Federation of Danish Workers – 3F) đã phản đối nội dung thể hiện trong quảng cáo tuyển dụng của nhà hàng và coi đó là hành vi phân biệt đối xử bất hợp pháp: ‘quan trọng nhất bạn là người hướng ngoại, có khả năng giao tiếp tốt và hoàn toàn ổn với bộ đồng phục công sở là quần đùi cao bồi và áo sơ mi. Theo tổ chức Công đoàn Đan Mạch (3F), quảng cáo như vậy đã ngụ ý rằng công việc này chỉ dành cho phụ nữ và do đó đã loại trừ các ứng viên là nam giới. Tuy nhiên, luật sư của 3F cũng chỉ ra những khó khăn trong việc chứng minh Hot Buns có hành vi phân biệt giới tính. Tuy vậy, các nhân viên và một cựu quản lý nhà hàng đã báo cáo rằng Hot Buns chỉ thuê những phụ nữ xinh đẹp. ‘Nhân viên bán hàng phải là nữ và họ thường bán được nhiều hơn khi ăn mặc hở hang’, một cựu quản lý nhà hàng nhận xét.
Điều quan trọng cần lưu ý là sự phân biệt đối xử về giới tính trong tuyển dụng vẫn được pháp luật ủng hộ ở một số trường hợp nhất định. Ví dụ: luật pháp Ireland cho phép người sử dụng lao động nói rõ trong quảng cáo tuyển dụng rằng họ đang tìm một người giúp việc gia đình với một giới tính nhất định nếu người đó sẽ làm việc tại nhà của ai đó. Tuy nhiên, một khi người lao động được tuyển dụng, người đó hoàn toàn được bảo vệ bởi luật bình đẳng việc làm.
Để đánh giá mức độ phân biệt đối xử về giới tính trong tuyển dụng lao động, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm bằng cách gửi đi đồng thời 2 đơn xin ứng tuyển mô tả một cách cẩn thận các bằng cấp và kinh nghiệm làm việc giống hệt nhau cho mỗi vị trí tuyển dụng được quảng cáo trên khắp Vương quốc Anh. Kết quả thống kê cho thấy có sự phân biệt đối xử đáng kể đối với nam giới liên quan đến các ‘nghề nghiệp thường dành cho nữ’ (nghề thư ký) và đối với nữ giới liên quan đến các ‘nghề nghiệp thường dành cho nam’ (nghề kỹ sư), ngoài ra kết quả thống kê cũng cho thấy có sự phân biệt đối xử đáng kể và bất ngờ đối với nam giới liên quan đến hai ‘nghề nghiệp hỗn hợp’ (kế toán viên tập sự và lập trình viên máy tính). Hơn nữa, các ứng viên nam có nguy cơ bị phân biệt đối xử cao hơn gấp 4 lần so với nữ giới khi ứng tuyển vào các công việc trong ngành kế toán và lập trình máy tính. Theo nghiên cứu, nam giới là nạn nhân mới của phân biệt giới tính tại nơi làm việc, với những nghề từng được coi là ‘thành trì’ của nam giới nay lại thiên về phụ nữ. Kết quả nghiên cứu gợi mở cho các nhà tuyển dụng một cách làm mới gọi là âm thầm “phân biệt đối xử tích cực” để chủ động tuyển dụng nhiều lao động nữ hơn.
Người thực hiện: LexNovum Lawyers