Hỏi đáp về vấn đề Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chức danh Tổng giám đốc của công ty

Bàn luận pháp luật

Hỏi đáp về vấn đề Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chức danh Tổng giám đốc của công ty

Phan Thi Nhi

Phan Thi Nhi

16/09/2022

Giải-đáp-thắc-mắc-về-vấn-đề-chủ-tịch-hội-đồng-quản-trị-kiêm-chức-danh-tổng-giám-đốc-của-công-ty-cover-LexNovum-Lawyers

 

Nội dung câu hỏi: Tôi là A đang làm việc tại công ty cổ phần (không có vốn nhà nước) với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị và nay công ty dự định bổ nhiệm tôi làm Tổng giám đốc. Việc kiêm nhiệm này có phù hợp hay không? Theo quy định của pháp luật hiện hành thì công ty có phải ký hợp đồng lao động với tôi đối với việc giữ chức danh Tổng giám đốc hay không? và trường hợp có ký hợp đồng lao động thì ai sẽ có thẩm quyền đại diện phía Công ty ký hợp đồng lao động này?

Trả lời

1. Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty không?

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 (“LDN 2020”) chỉ quy định một người không được kiêm nhiệm hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) trong công ty đại chúng và công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Còn đối với các công ty cổ phần, pháp luật hiện hành không có quy định cấm hoặc hạn chế kiêm nhiệm, do đó, công ty có thể cân nhắc việc cử Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc (Giám đốc) kiêm nhiệm hai vị trí tùy theo mục đích hoạt động của doanh nghiệp …

2. Vấn đề ký Hợp đồng lao động

Thứ nhất, cần giải quyết vấn đề là có nhất định phải ký Hợp đồng lao động đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị khi chuyển sang kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc) hay không?

Về vấn đề này, trước đây, Nghị định 44/2003/NĐ-CP (đã hết hạn) từng quy định, đại ý, không áp dụng hình thức giao kết Hợp đồng lao động đối với thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên đến nay nội dung trên đã không còn hiệu lực.

Hiện nay, LDN 2020 tại Điểm i Khoản 2 Điều 153 và Khoản 1 Điều 162 chỉ quy định Hội đồng quản trị công ty cổ phần có thẩm quyền bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Tổng giám đốc hoặc Giám đốc.

Theo đó, có thể hiểu rằng, việc ký hay không ký Hợp đồng lao động đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) cần được xác định tùy theo từng trường hợp cụ thể:

a. Nếu Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty được bổ nhiệm từ một trong các thành viên của Hội đồng quản trị công ty thì không cần ký hợp đồng lao động. Chỉ cần có quyết định bổ nhiệm của Hội đồng quản trị.

b. Trường hợp thuê người lao động làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty thì phải kí hợp đồng lao động.

Trong trường hợp này, Công ty dự kiến bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị làm Tổng giám đốc thì việc ký Hợp đồng lao động là không bắt buộc.

Thứ hai, nếu ký Hợp đồng lao động thì ai sẽ là người có thẩm quyền ký Hợp đồng lao động với người lao động giữ chức danh Tổng giám đốc?

Trước hết, LexNovum Lawyers muốn nhấn mạnh rằng việc ký Hợp đồng lao động là thủ tục giữa công ty (pháp nhân) với chính người lao động đó. Do đó, để đại diện phía công ty ký Hợp đồng lao động, người đại diện cần phải là (i) đại diện theo pháp luật; hoặc (ii) đại diện theo ủy quyền của công ty được công ty ủy quyền trong việc ký hợp đồng lao động.

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì người đại diện theo pháp luật của công ty (hay còn gọi là người sử dụng lao động theo pháp luật về lao động) phải là (i) Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên (tùy loại hình của doanh nghiệp); hoặc (ii) Tổng giám đốc (Giám đốc).

Theo đó, tùy thuộc vào Điều lệ công ty và tình hình thực tế, người đại diện theo cho công ty trong việc ký Hợp đồng lao động có thể là:

– Đại diện theo pháp luật, bao gồm:

      • Chủ tịch Hội đồng quản trị/chủ tịch Hội đồng thành viên; hoặc
      • Tổng giám đốc (Giám đốc); hoặc
      • Một cá nhân được ghi nhận rõ trong Điều lệ công ty.

hoặc

– Đại diện theo ủy quyền của công ty (Lưu ý: Văn bản ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền này phải do người đại diện hợp pháp của công ty thay mặt công ty ký).

Giả định, trong trường hợp người đại diện công ty trong trường hợp phía trên cũng chính là người sắp kiêm nhiệm hai chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc), người đó có thể đại diện công ty ký Hợp đồng lao động với chính mình không?

Câu trả lời là không. Vì lý do sau:

Căn cứ Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015:

Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Do đó, trong trường hợp này, bạn không thể đại diện công ty ký hợp đồng lao động với chính mình. Theo đó, bạn có thể đại diện công ty ký văn bản ủy quyền cho một cá nhân khác làm người đại diện theo ủy quyền của công ty trong việc đại diện công ty ký hợp đồng lao động với bạn, về mặt pháp lý, việc đại diện như trên là phù hợp.

Giả định, Hội đồng quản trị muốn ký Hợp đồng lao động với Tổng giám đốc (Giám đốc) công ty có được hay không?

Thực tế, một số doanh nghiệp áp dụng quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 153 LDN 2020 để giao kết hay chấm dứt hợp đồng lao động với Giám đốc/Tổng giám đốc:

 “2. HĐQT có quyền và nghĩa vụ sau đây:

i) bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định;”

Tuy nhiên, cần hiểu rằng các quy định nêu trên đang điều chỉnh vấn đề thẩm quyền quyết định nội bộ của doanh nghiệp. Còn liên quan đến các vấn đề về lao động, giao kết hay chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định tại Bộ luật lao động hiện hành để từ đó, xác định thẩm quyền giao kết hay chấm dứt hợp đồng lao động phù hợp với với quy định, tránh phát sinh các tranh chấp không đáng có gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Cụ thể trong trường hợp này, nếu có nhu cầu giao kết hợp đồng lao động với Giám đốc/Tổng giám đốc, thì chủ thể giao kết sẽ bao gồm: (i) Doanh nghiệp: Đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được ủy quyền; và (ii) Người lao động: Giám đốc/Tổng giám đốc.

 

Người thực hiện: Phan Thị Nhi – Ngô Bình An