Doanh nghiệp có bắt buộc ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy định liên quan?
Bên cạnh Nội quy lao động, các doanh nghiệp có trên 10 người lao động cần ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (quy chế dân chủ). Mặc dù đây không phải là quy định mới, song hiện nay vẫn tồn tại khá nhiều trường hợp doanh nghiệp loay hoay không biết doanh nghiệp có bắt buộc phải ban hành quy chế dân chủ không và nếu phải ban hành thì cần lưu ý những yêu cầu nào.
Theo đó, liên quan đến vấn đề ban hành quy chế dân chủ, LexNovum Lawyers thông tin đến bạn một số thông tin cơ bản và mẫu tham khảo như bên dưới:
1. Trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ
Căn cứ theo điểm b Khoản 2 Điều 6 BLLĐ 2019, Điều 48 và khoản 4 Điều 114 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động sử dụng trên 10 người lao động có trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và phổ biến công khai tới người lao động. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của người lao động (nếu có) để hoàn thiện và ban hành. Trường hợp, người sử dụng lao động không tiếp thu ý kiến góp ý của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động thì phải nêu rõ lý do.
Căn cứ Khoản 1 Điều 6 và Khoản 1 Điều 15 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, hành vi “Không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật” có thể bị xử phạt với hình thức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đối với tổ chức.
2. Nội dung quy chế dân chủ
– Nội dung, hình thức NSDLĐ phải công khai: Ngoài quy định tại Điều 43 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, công đoàn đề nghị NSDLĐ công khai thêm các quy định mới của NSDLĐ liên quan đến quyền lợi của NLĐ; kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của NLĐ (trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước)…
– Nội dung, hình thức NLĐ được tham gia ý kiến: Ngoài quy định tại Điều 44 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, công đoàn đề nghị NSDLĐ bổ sung thêm nội dung NLĐ được tham gia ý kiến như: Nội dung đối thoại định kỳ; cách thức tiến hành và kết quả thương lượng tập thể; nội dung, hình thức công khai…
– Nội dung, hình thức NLĐ được quyết định: Ngoài quy định tại Điều 45 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, công đoàn đề xuất với NSDLĐ bổ sung thêm quyền được quyết định của NLĐ như: Quyền tham gia các câu lạc bộ, chương trình tình nguyện; mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; tham quan, nghỉ mát hàng năm; quyền được học tập, nâng cao trình độ, tay nghề;… phù hợp với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.
– Nội dung, hình thức NLĐ được kiểm tra, giám sát: Ngoài quy định tại Điều 46 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, công đoàn đề nghị NSDLĐ bổ sung thêm nội dung NLĐ được kiểm tra, giám sát như: Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ, nhất là các chính sách hỗ trợ NLĐ của Nhà nước thông qua NSDLĐ, trợ cấp thôi việc, mất việc làm; thực hiện kết quả đối thoại, thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) mà NSDLĐ tham gia; kết quả thực hiện nghị quyết của hội nghị NLĐ, kết luận của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến quyền lợi của NLĐ (nếu pháp luật không cấm)…
– Đối thoại tại nơi làm việc: Ngoài quy định tại Điều 37, Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, công đoàn đề nghị với NSDLĐ bổ sung thêm một số nội dung sau: Trình tự đối thoại, các hình thức đối thoại khác theo Khoản 3 Điều 63, Bộ luật Lao động.
– Hội nghị NLĐ: Trong Quy chế cần nêu rõ một số nội dung ngoài quy định trong Nghị định 145/2020/NĐ-CP gồm: Trình tự, thời điểm tổ chức hội nghị (theo quy định tại phần III của Hướng dẫn này và Quy chế mẫu đính kèm); hình thức tổ chức hội nghị (trực tiếp, trực tuyến); quy mô tổ chức hội nghị (toàn thể, đại biểu).
– Các hình thức dân chủ khác: Ngoài tham gia xây dựng nội dung thực hiện Quy chế quy định tại mục 1, 2, 3, 4, 5, 6 nêu trên, công đoàn đề xuất với NSDLĐ quy định thêm các hình thức dân chủ khác vào Quy chế như: Hình thức dân chủ thông qua hộp thư góp ý, thư ngỏ, hiến kế, diễn đàn, tài liệu, ấn phẩm, bản tin, trao đổi trực tiếp với NLĐ…
3. Mẫu quy chế dân chủ
Mẫu Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc (Mẫu 04) được ban hành kèm theo Hướng dẫn 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021. Vui lòng tham khảo mẫu tại văn bản đính kèm.
Nguồn: Mẫu 04 Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Phụ lục Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ về công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
4. Các vi phạm và chế tài tương ứng liên quan đến quy chế dân chủ
Người sử dụng lao động có rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng, nếu người sử dụng lao động:
– Không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ;
– Không công khai nội dung chính của quy chế dân chủ tại nơi làm việc;
– Không báo cáo tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.
5. Trình tự ban hành quy chế dân chủ:
Bước 1. Người sử dụng lao động tham khảo ý kiến của công đoàn cơ sở (nếu có) để hoàn thiện nội dung bản Quy chế dân chủ trước khi ban hành (Người sử dụng lao động nêu rõ lý đối với các góp ý của công đoàn mà người sử dụng lao động không tiếp thu).
Bước 2. Người sử dụng lao động ra quyết định ban hành và kèm bản QCDC.
Bước 3. Người sử dụng lao động phổ biến công khai với người lao động.
Lưu ý: Quy chế dân chủ không có quy định bắt buộc phải nộp cho cơ quan nhà nước để đăng ký.
6. Việc thực hiện và báo cáo Quy chế dân chủ
Căn cứ điểm c Khoản 3 Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có trách nhiệm Báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.
Qua tham khảo ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số tỉnh thành thì khi có yêu cầu bằng công văn hoặc khi Cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra, kiểm tra, người sử dụng lao động mới cần thực hiện báo cáo về tình hình thực hiện quy chế dân chủ.
Người thực hiện: Ngô Bình An, Phan Thị Nhi