Định kiến giới liên quan đến lao động có thể bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng

Bản tin pháp luật

Định kiến giới liên quan đến lao động có thể bị phạt tiền lên đến 60 triệu đồng

Nguyen Phuc Anh Thu

Nguyen Phuc Anh Thu

17/02/2022

Đăng tin tuyển dụng “Chỉ tuyển nam” hoặc “Chỉ tuyển nữ” có nguy cơ vi phạm???

Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2021/NĐ-CP (“Nghị định 125”) thay thế Nghị định 55/2009/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Theo đó, Nghị định 125 đã bổ sung thêm một số hành vi được xem là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến lao động và đồng thời tăng mức xử phạt so với quy định trước đây. Cụ thể, mức phạt tiền tối đa nay có thể lên đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân và 60.000.000 đồng đối với tổ chức thay vì trước đây là tối đa 10.000.000 đồng đối với cá nhân và 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2022, cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 125:

Hình thức xử lý

Hành vi vi phạm

Phạt cảnh cáo

Vận động, xúi giục người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp theo định kiến giới.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân; và

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức.

Một trong các hành vi:

a) Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động;

b) Ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới;

c) Phân biệt đối xử về giới trong phân công công việc dẫn đến chênh lệch về thu nhập;

d) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế người lao động thuộc một giới tính nhất định.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân; và

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.

Các hành vi vi phạm quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh các hình thức xử phạt vi phạm hành chính này, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tùy từng trường hợp.

Sự ra đời của Nghị định 125 đã đặt ra một câu hỏi: Trên thực tế, nhằm tránh mất thời gian, nhiều doanh nghiệp khi đăng tin tuyển dụng thường sẽ ghi rõ yêu cầu của công ty là “Chỉ tuyển nam/nữ” hoặc “Ưu tiên tuyển nam/nữ”, vậy việc đăng các tin tuyển dụng như trên có dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định tại Nghị định 125 không?

Để trả lời cho câu hỏi đó, LexNovum Lawyers đã liên hệ với phòng chuyên môn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của một số tỉnh thành và đều nhận được khuyến nghị rằng: Để đảm bảo công bằng trong tuyển dụng cũng như tránh nguy cơ vi phạm quy định về bất bình đẳng giới trong lao động, các doanh nghiệp không nên đăng những tin tuyển dụng thể hiện sự phân biệt đối xử giới, ví dụ như ghi rõ chỉ tuyển hoặc không tuyển một giới cụ thể. Việc đăng những tin tuyển dụng có nội dung thể hiện sự bất bình đẳng giới có thể được xem như một hành vi vi phạm Nghị định 125.

Tuy nhiên, từ góc độ của LexNovum Lawyers, chúng tôi nhận thấy rằng trên thực tế có rất nhiều nhóm ngành nghề vì tính chất và đặc thù công việc mà việc chỉ tuyển một giới là phù hợp, việc doanh nghiệp nêu rõ chỉ tuyển một giới (thông thường) chỉ nhằm mục đích tiết kiệm thời gian cho cả phía ứng viên và bộ phận tuyển dụng. Theo đó, để đảm bảo hoạt động tuyển dụng diễn ra thuận lợi mà vẫn tránh được nguy cơ vi phạm quy định của pháp luật, trong trường hợp công việc có tính chất đặc thù, LexNovum Lawyers khuyến nghị Quý Khách hàng lưu ý đầy đủ các thông tin đó tại bản tin tuyển dụng và nêu rõ công việc thực tế tại công ty sẽ phù hợp nhất với nam giới/nữ giới, tuy nhiên vẫn cần ghi nhận thiện chí của công ty là luôn sẵn sàng đón nhận sự ứng tuyển của tất cả ứng viên. Điều đó không chỉ giúp các ứng viên có cái nhìn khách quan về công việc để tự đánh giá được mức độ phù hợp giữa họ với vị trí tuyển dụng mà còn giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro vi phạm các quy định về bất bình đẳng giới đã được pháp luật về lao động quy định.

Quý Khách hàng thân mến, thị trường nhân lực thì đa dạng, phong cách tuyển dụng của mỗi doanh nghiệp lại muôn màu, việc chuẩn bị một bản mẫu tin tuyển dụng chuẩn chỉnh để Quý khách hàng tham khảo là không phù hợp cũng như không khả thi. Do đó, trong trường hợp Quý khách hàng có nhu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật ở mức tối ưu và nhận những khuyến nghị phù hợp với từng môi trường nghề nghiệp, LexNovum Lawyers luôn sẵn sàng đón nhận mọi yêu cầu của Quý Khách tại các kênh liên lạc của chúng tôi.

 

Người thực hiện: Nguyễn Phúc Anh Thư & Phan Thị Nhi