Bàn về đại diện pháp luật của công ty nước ngoài tại Việt Nam
Thực tế một số trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài khi thành lập công ty con tại Việt Nam muốn kiểm soát tuân thủ trong thời gian đầu hoặc lâu dài đối với hoạt động của công ty con nên muốn chỉ định một người nước ngoài làm người đại diện theo pháp luật của công ty con ở Việt Nam.
Lý do là vì vị trí người đại diện theo pháp luật của công ty tại Việt Nam được ví như “cầu nối” giữa doanh nghiệp và bên thứ ba bên ngoài doanh nghiệp như đối tác hoặc cơ quan nhà nước, cụ thể, cá nhân đại diện cho doanh nghiệp sẽ thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020). Như vậy, với tính thực tiễn cao của vị trí này, việc quản lý và kiểm soát hoạt động của công ty mẹ đối với công ty con được sâu sát hơn.
Xét đến điều kiện chi tiết áp dụng đối với người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Điều kiện “cư trú tại Việt Nam” luôn là vấn đề khiến nhà đầu tư ngại ngần khi chỉ định một người có mặt thường xuyên tại Việt Nam, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Ngoài ra, pháp luật lao động còn yêu cầu người nước ngoài trong trường hợp này phải xin giấy phép lao động nếu không thuộc trường hợp loại trừ (i) chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên, hoặc là (ii) Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên. Một khó khăn nữa liên quan đến việc chỉ có một người đại diện theo pháp luật tại Việt Nam đó là nếu người này đột ngột không muốn giữ vị trí người đại diện theo pháp luật thì những vấn đề phát sinh trong giai đoạn chờ tìm được người thay thế như giao kết hợp đồng, tham gia tranh tụng, quản lý vận hành hay thực hiện thủ tục liên quan đến cơ quan nhà nước cũng là trở ngại cần lưu tâm.
Do đó, với sự “mở” của pháp luật doanh nghiệp đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong việc cho phép doanh nghiệp có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật, quyền và nghĩa vụ của mỗi người đại diện được ghi nhận trong điều lệ của công ty thì sẽ đáp ứng giải quyết được các vấn đề vướng mắc, cụ thể doanh nghiệp có hai người đại diện theo pháp luật, một người là người nước ngoài theo nhu nhu cầu của công ty mẹ, người này có thể thoải mái làm việc và cư trú bất kỳ nơi nào không nhất thiết phải tại Việt Nam, cũng không cần phải xin giấy phép lao động; và một người là người cư trú tại Việt Nam đáp ứng được điều kiện tối thiểu về cư trú đối với người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, bởi luật cho phép việc phân quyền và nghĩa vụ của mỗi người đại diện vào trong điều lệ nên nếu việc bổ sung người đại diện theo pháp luật là người cư trú tại Việt Nam không mang tính “điều hành thực tế”, thì doanh nghiệp cần chủ động ngay từ đầu trong việc phân quyền trong điều lệ để, đảm bảo vận hành thông suốt và tuân thủ yêu cầu của công ty mẹ.
Người thực hiện: LexNovum Lawyers